“NGƯỜI VỢ CUỐI CÙNG” – Một bộ phim gần như chỉn chu về bối cảnh và phục trang

  • Post author:

“Người vợ cuối cùng” là một bộ phim điện ảnh mới nhất đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Victor Vũ với thể loại cổ trang. Phim lấy bối cảnh vào thời đại phong kiến nhà Nguyễn, tại một ngôi làng giả tưởng tên “Cua Ngộp” ở Bắc Bộ.

“Người vợ cuối cùng” được cải biên dựa trên tiểu thuyết gốc “Hồ Oán Hận” của tác giả Hồng Thái. Bộ phim xoay quanh Linh (Kaity Nguyễn thủ vai) vì một biến cố mà phải từ bỏ mối tình thanh mai trúc mã với Nhân (Thuận Nguyễn thủ vai) mà gả vào nhà quan tri huyện Đức Trọng (NSƯT Quang Thắng thủ vai) để làm vợ thứ.

Những tưởng được sung sướng, nhưng Linh lại phải gánh chịu nhiều tủi nhục khi cả nhà quan đều xem cô như một cái “máy đẻ” quý tử, phải làm việc nhà quần quật ngày đêm. Cuộc sống quạnh quẽ của Linh thay đổi khi cô gặp lại Nhân sau 7 năm xa cách. Tình yêu giữa họ một lần nữa sống dậy, đẩy đưa đến những sự lựa chọn đe doạ đến tính mạng của hai người.

Poster phim “Người vợ cuối cùng”.

Văn hoá Bắc Bộ được tái hiện rõ nét

Đương nhiên, phim được xây dựng bối cảnh miền Bắc thì chắc chắn sẽ xuất hiện những nét văn hoá đậm chất Bắc Bộ.

Phải kể đến ngay từ đầu phim chính là nghệ thuật hát chầu văn – một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam, có xuất xứ từ đồng bằng Bắc Bộ. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo), một tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt nghiêm trang, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh.

Ngoài ra còn có nghệ thuật múa rối nước (một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống ra đời từ nền văn minh lúa nước) và dân ca Bắc Bộ (cụ thể là ca khúc “Bèo Dạt Mây Trôi” được thể hiện bởi Thuỳ Chi).

Đồng thời, “Người vợ cuối cùng” cũng xuất hiện những hủ tục lạc hậu của miền Bắc thời bấy giờ mà có lẽ vẫn còn tồn tại đến ngày nay: trọng nam khinh nữ, mâm trên mâm dưới, nhất phu đa thê.

Cả gia đình nhà quan tri huyện trong “Người vợ cuối cùng”.

Cảnh làm tình – nơi tình yêu được thể hiện rõ nhất

Một điều mà chắc chắn ai muốn đi xem “Người vợ cuối cùng” phải kiểm tra kỹ lại đó chính là độ tuổi của mình ><. Do phim cũng có kha khá số cảnh “giường chiếu”, thế nên việc giới hạn độ tuổi xem phim là trên 18 tuổi hoàn toàn phù hợp.

Có người nói cảnh 18+ của phim chân thật nhưng không thô tục, vừa đủ để có thể khoe trọn vóc dáng của diễn viên cũng như những dòng cảm xúc của nhân vật.

Với Goose Mập, mình ấn tượng ở việc biến hoá tính cách và cảm xúc của các nhân vật, đặc biệt là Linh. Đoạn phim 18+ đầu tiên xuất hiện là lúc cô làm tình với quan tri huyện Đức Trọng. Như lẽ đương nhiên, thân mật với một người mà mình không có tình cảm, chỉ vì trách nhiệm của một người vợ bị ép gả thì thứ khoái cảm trong Linh không thể nào vẹn tròn. Có lẽ lúc đó cô chỉ muốn làm nhanh cho xong, như một con búp bê tuỳ ý bị chà đạp.

Nhưng khi làm tình với Nhân – thanh mai trúc mã, người mà Linh đã trao trọn trái tim từ hơn chục năm trước, tình yêu và khoái cảm trong cô được thể hiện một cách rõ ràng, mãnh liệt. Cả hai như những con thú đói, lao vào nhau, hoà quyện vào dòng cảm xúc bị kìm nén 7 năm ròng.

Có thể thấy, trước khi gặp Nhân, cuộc đời của cô chỉ xoay quanh cô con gái Đông Nhi và những công việc tay chân bận rộn, nặng nhọc. Nhưng sau khi gặp lại Nhân, Linh đã vui vẻ hơn, yêu đời hơn, thậm chí còn ngân nga những câu hát dân ca đầy tình nghĩa. Đó chính là sự chuyển biến cảm xúc của một người khi tìm thấy được điều mà mình mong mỏi.

Cảnh làm tình của Kaity Nguyễn và Thuận Nguyễn.

Hồi ba mang đậm chất trinh thám – phá án

Một điểm mà Goose Mập cảm thấy thích thú chính là màn lồng ghép phá án của thám tử Kiên (Quốc Huy thủ vai). Có thể do bản thân mình thích thể loại trinh thám nên cũng có thể dễ dàng “đoán” được các hành động tiếp theo của nhân vật, cũng như hiểu hết các “chiêu trò” để có thể tìm ra hung thủ.

Không thể phủ nhận việc thám tử Kiên có một bộ óc của một quan án điều tra cùng sự tinh ý, tỉ mỉ và khả năng quan sát cực kì tốt. Chỉ bằng một số thông tin cơ bản như cả nhà quan ngày nào cũng ăn cua, bà Ba thường mua cua ở một chỗ quen ngoài chợ,… Kiên đã có thể tìm ngay ra Nhân và hỏi thăm về Linh – người mà Nhân nói là khách quen chỗ anh.

Không chỉ vậy, những hành vi tâm lý tội phạm cũng được đưa vào “Người vợ cuối cùng” một cách “hoàn hảo”. Nói “hoàn hảo” là vì nó rập khuôn, đúng “chuẩn” những “chiêu” để tìm ra tội phạm như trong những quyển tiểu thuyết trinh thám vậy: Bứt dây động rừng, giương Đông kích Tây, đặt bẫy hung thủ bằng lời nói,…

Song song đó là phần nhạc nền mang chút âm u, rờn rợn, cảnh quay buổi tối cùng tiếng ếch nhái kêu vang càng khiến cho không khí trong hồi ba của phim mang màu trinh thám.

Kết thúc “Người vợ cuối cùng” chưa thoả mãn

Kết thúc phim tạo cho mình một cảm giác “hụt” nhẹ. Đối với mình, một kết thúc như vậy chưa thể thỏa mãn được những cao trào trước đó, và nó chưa nêu bật được giá trị cốt lõi của phim. Tuy nhiên, Goose Mập cảm thấy cái kết này cũng đã truyền tải được những giá trị nhân văn mà nó vốn phải có. Ví như câu chuyện “nhân – quả”.

Quan Đức Trọng hối lộ, tham ô tiền bẩn trên công sức của dân mà cuối cùng đã bị bắt.

Thầy đề Thiện Lương tiếp tay cho quan, cố ý sát hại Linh nhưng bất thành, lại trở thành nạn nhân bị Nhân ngộ sát.

Bà Cả vốn tâm địa độc ác, nói khích quan cho hắn đánh Linh, thậm chí còn vì cảnh cáo bà Ba mà bắt Đông Nhi (con gái của Linh) quỳ gối suốt đêm ngoài sân khi con bé chỉ mới 6 tuổi. Và cuối cùng bị Linh đẩy ngã vào đống lửa chết cháy.

Linh, có lẽ là vì đã không cứu lấy bà Cả ngay trước mắt, mà đã ra đi ngay trong vòng tay của Nhân và Đông Nhi do vết thương bị đâm vào nội tạng.

Vô hình trung, những điều tưởng chừng đơn giản lại trở thành quả báo mà họ phải gánh chịu. Song, khi nghĩ sâu hơn, kỹ càng hơn, và đặt vị trí của mình vào đa góc nhìn, Goose Mập tự hỏi mình: Liệu cái kết cho Nhân như vậy đã “thỏa đáng” chưa?

Anh ta cố ý đuổi đánh thầy đề, bắt trói và thậm chí còn muốn giết người diệt khẩu. Cứ cho rằng Nhân chỉ muốn thoát khỏi xiềng xích cùng người mình yêu, nhưng không thể phủ nhận ý định “giết người” đã xuất hiện trong tâm trí của anh. Khi bị thám tử Kiên phát hiện, truy đuổi và bị bắt, quan Đức Trọng đã cho người đánh đập Nhân thậm tệ.

Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở vài đòn roi, vài ngày bị nhốt trong ngục tối. Kết thúc, anh mất đi người mình yêu thương, nhưng lại có đứa con là Đông Nhi, rồi sống một cuộc sống bình bình yên yên cùng người nhà của Linh. Vậy thì chiếu theo “nhân – quả”, Nhân đã nhận lấy “quả” của mình chưa?

Tổng kết “Người vợ cuối cùng”

Cá nhân Goose Mập cảm thấy phim có sự tỉ mỉ, chú trọng vào bối cảnh và trang phục, ekip có lẽ cũng đã tìm tòi, học hỏi và có một sự chuẩn bị chỉn chu về những vấn đề liên quan đến lịch sử.

Tạo hình phục trang trong “Người vợ cuối cùng”.

Hơn nữa, mình cũng rất bất ngờ vì sự táo bạo và “khôn ngoan” của đạo diễn Victor Vũ khi lựa chọn xây dựng bối cảnh nhà Nguyễn – thời điểm mà chúng ta còn lại rất nhiều tư liệu lịch sử để tham khảo, đối chiếu.

Ngoài cái kết khiến mình cảm thấy chưa thoả mãn thì chất giọng của các diễn viên cũng khiến mình hơi “nản”. Vì là giọng miền Nam nhưng đôi khi những câu thoại của diễn viên chưa thật sự thể hiện được chất giọng của người Nam, nhiều lúc nghe “sượng”, thiếu tự nhiên như đang đọc văn bản.

Tuy nhiên, nhìn chung mình cảm thấy phim cũng tạm ổn. Đối với mình, phim đạt 6,9/10 vì một số khuyết điểm đã kể, không tròn 7 vì cái kết hụt hẫng, cũng như phim đã để lại cho mình một số dấu hỏi trong lòng. Nhưng mình sẽ cộng thêm 0,5 vì yếu tố trinh thám mình thích và những cảnh 18+ kia >< . Tổng kết mình chấm cho phim 7,4/10 nhé.

Các bạn đã đi xem “Người vợ cuối cùng” chưa? Hãy săn ngay cho mình một chiếc vé phim “Người vợ cuối cùng” để trải nghiệm nhé! Và đừng quên chia sẻ cho Goose Phim cảm nhận của bạn sau khi xem, cũng như góp ý cho mình để chất lượng bài viết tốt hơn nè!

Tác giả: Goose Mập

Trả lời