Ocean Waves kể về sự phức tạp và mâu thuẫn của tình bạn và tình yêu tuổi trẻ. Dẫu phim không hẳn xuất sắc, nhất là khi đứng cùng với những bộ phim khác của nhà Ghibli. Nhưng với chủ đề mà ai cũng thấy liên quan, và một câu chuyện đơn giản dễ tiếp cận. Bộ phim đã thành công khơi gợi cho ta về những kỷ niệm một thời học sinh còn trẻ trung và dễ xáo động bởi những cảm xúc.

- Ocean Waves – Umi ga kikoeru (1993)
- Quốc gia: Nhật Bản
- Thể loại: Tình cảm, học đường
- Đạo diễn: Tomomi Mochizuki
- Studio: Ghibli
- Nhân vật chính: Taku Morisaki, Yutaka Matsuno, Rikako Muto
Ocean Waves là phim gì? Có nên xem không?
Ocean Waves được phát sóng trên truyền hình Nhật Bản vào năm 1993, và chỉ chiếu nội bộ ở Nhật cho đến năm 2008. Đây là bộ phim đầu tiên của Ghibli Studio không do Hayao Miyazaki hay Isao Takahata đạo diễn.
Được tạo ra với mục đích cho những người trẻ trong Studio có cơ hội được thử sức bản thân, vậy nên phim có vốn đầu tư không cao cũng như thời lượng còn ngắn. Và đây là bộ phim bị đánh giá là mờ nhạt nhất của Ghibli.
Phim theo chân Taku, trở về quê để tham gia buổi họp lớp sau một năm học đại học ở Tokyo. Chuyến đi đã khiến Taku nhớ lại những kỷ niệm thời đi học của mình. Taku vốn đang có những tháng ngày bình thường của một học sinh cấp 3 ở thành phố biển Kouchi, Nhật Bản.
Mọi thứ bỗng thay đổi khi một cô gái từ Tokyo chuyển đến trường vào năm lớp 11. Cô gợi lên những làn sóng xáo trộn, không chỉ trong trường học mà còn trong trái tim người bạn thân của Taku là Matsuno. Taku vốn không quan tâm nhiều đến Rikako, nhưng sự kiện ở chuyến dã ngoại đã khiến mối quan hệ giữa họ bắt đầu thay đổi.
Ocean Waves là một bộ phim tĩnh lặng và khá đơn giản. Phim là một loạt các tình tiết, hồi tưởng của Taku về những tháng năm trung học của cậu và cuộc gặp gỡ với Rikako. Những hồi ức như những gợn sóng trong cuộc đời cậu.
Cũng như nhiều bộ phim khác của Studio Ghibli, Ocean Waves tập trung vào cảm xúc, phản ứng và sự bộc phát rất thực của nhân vật. Bộ phim trở thành một cái nhìn chân thật về sự trưởng thành.

Một trong những nét hay ở Ocean Waves đó là cách bộ phim dẫn dắt người xem. Dưới góc nhìn của một nam sinh trung học, Ocean Waves có phần cô đọng, gần gũi.
Ta có thể thấy, xuyên suốt câu chuyện, không một lần có mặt của một cảm xúc cần được gọi tên. Ắt vì về mặt cảm xúc, Taku còn mơ hồ và chưa rõ. Như qua khung cửa sổ, Taku cố nhìn mặt người con gái, nhưng không thấy được. Cậu nhiều lần tỏ ra mình bình thản. Nhưng khi câu kết của phim nói ra, ta biết, ngay từ thuở ban đầu cảm xúc Taku đã vậy. Chỉ là cậu không nhận ra, hoặc cố lấp liếm đi vì nhiều lo nghĩ.
Bên cạnh đó, vì từ góc nhìn của Taku nên ta đã không biết cảm giác của Rikako đối với cậu như thế nào. Cơ duyên của cậu với Rikako là những chuỗi tình cờ. Cậu chỉ kể lại những gì cậu nghe, cậu thấy, và Rikako trong mắt cậu không hoàn toàn hoàn hảo, cô khóc, cô lừa dối, cô gắt gỏng.
Những điểm hay và những điểm còn thiếu của Ocean Waves

Có lẽ vì đây là một bộ phim về giới trẻ được sản xuất năm 1993, ta dễ thấy được hình dáng của thế hệ trước. Những bộ áo quần thời trang, mang lại cảm giác cổ điển như mấy bộ Hồng Kông xưa. Nhưng nếu xét bộ phim được sản xuất trong thập niên 90, nó chứa đựng nhiều nét trẻ trung và tân tiến của giới trẻ đương thời. Như cách xây dựng nhân vật, các cảnh được thể hiện như những bức ảnh chụp, các lựa chọn màu sắc, v.v.
Theo tớ, Ocean Waves thậm chí có phần cởi mở hơn những phim ngày nay, kiểu tự do hơn, phóng khoáng hơn những phim Nhật gần đây tớ xem.
Lúc tớ đọc bình luận về phim trên mạng xã hội, nhiều người khen phim rất nhiều. Đặc biệt, nhiều người dùng từ như “rất ý nghĩa” hay “bị đánh giá thấp so với sự hay của nó”.
Tuy nhiên, nội dung của nó không quá nổi bật, câu chuyện tình yêu có phần mơ hồ. Nhất là đoạn kết của phim, quá chóng vánh. Ta chưa đủ cảm nhận sự dịch chuyển trong nhân vật thì bộ phim đã vào đoạn kết. Tạo cho phim cảm giác chưa tới. Đạo diễn Hayao Miyazaki không đánh giá cao Ocean Waves. Ông cho rằng phim thiếu tính nghệ thuật và không đạt được độ sâu tương tự như các tác phẩm khác của Studio Ghibli.
Nhân vật cũng là điểm khiến bộ phim không được yêu thích. Phải thú thực, tớ không thích tính cách của Rikako. Nên tớ thấy hả dạ cái tát của Taku lắm. Dẫu thế, Rikako là chỉ là một nữ sinh cấp 3 thôi, cô còn bướng bỉnh, còn ngây dại nhưng đã ép buộc phải trưởng thành, và sống trong một môi trường mới. Nhìn nhận theo hướng xây dựng nhân vật thì Ghibli đã tạo ra một nữ sinh rất đỗi chân thực, với những cảm xúc phù hợp với hoàn cảnh của cô.
Còn về phía khán giả chú ý câu chuyện đơn thuần, Goose Lười thấy Taku quá tốt để thích Rikako, Matsuno nữa. Khi xem phim chúng ta đều biết, cả Taku và Matsuno đều là những chàng trai tốt. Taku luôn cố hiểu cho hoàn cảnh của Rikako, nhưng Rikako thì sao? Hết lần này đến lần khác, cô thể hiện sự ương bước và giả dối của bản thân.

Tiếp diễn của Ocean Waves: tiểu thuyết Umi ga kikoeru II: Ai ga aru kara và một số bộ phim tương tự
Ocean Waves được chuyển thể từ tiểu thuyết Umi ga Kikoeru của một tác giả rất nổi tiếng với tiểu thuyết Shoujo đương thời là Saeko Himuro. Bộ tiểu thuyết này có hai tập, tập 2 tên là Umi ga kikoeru II: Ai ga aru kara. Theo như tớ biết thì nội dung tập này có vài chi tiết khác so với anime Ocean Waves.
Umi ga kikoeru II kể về Taku, sau khi đến Tokyo để học đại học. Taku bắt đầu làm việc tại một quán bar, nơi anh gặp gỡ một đàn chị tên Chisa và bạn trai cô, Tasaka. Trong một lần vô tình ở quán bar, Taku gặp lại Rikako, người con gái mà anh vẫn hằng suy nghĩ suốt những năm cấp 3 của mình. Các bạn có thể đọc tóm tắt câu chuyện ở đây, nhưng mà bằng tiếng Anh nha.
Bấm vào đây để đọc tóm tắt Umi ga kikoeru II: Ai ga aru kara
Một số bộ phim tương tự Ocean Waves
- Only Yesterday ( Phim cùng chủ đề về sự trưởng thành, và cũng đến từ studio Ghibli. Như phim có phần phức tạp hơn Ocean Waves. Nên nhiều người cảm thấy phim khó để tiếp cận)
- Từ ngọn đồi hoa hồng anh
- Tri kỉ
Suy cho cùng, Ocean Waves không hẳn là một bộ phim quá xuất sắc hay nổi bật. Tuy nhiên, nó vẫn chứa nhiều nét trẻ trung riêng biệt khó lòng tìm thấy ở những phim khác. Oceans Waves còn là câu chuyện đơn giản mà gần gũi, là thông điệp gửi đến một bước ngoặt chuyển đổi trong cuộc đời thiếu niên. Như bốn câu kết trong ca khúc chủ đề của bộ phim (Goose tạm dịch):
“ 穏やかな海になれたら
Nếu tôi có thể yên ả như mặt biển
いつか君に好きと告げるよ
Thì một ngày nào đó tôi sẽ nói với người lời yêu
言葉にする気持ちもわからずに
Tôi thậm chí còn không biết cảm giác khi nói ra
部屋で泣いていた私にさようなら、Good bye
Với bản thân tôi người đã từng ngồi khóc trong căn phòng xưa ấy, hai tiếng tạm biệt”
Trích Ca khúc chủ đề Ocean Waves 1993 (Umi ga kikoeru)
Tác giả: Goose Lười