Still Walking là câu chuyện về gia đình chân thật và nhẹ nhàng, pha chút trầm lắng của đạo diễn tài ba Nhật Bản Kore-eda. Thú thực, tớ đã rất ngỡ ngàng vì đến tận năm ngoái mới biết đến tên đạo diễn Kore-eda hay Still Walking. Vậy nên tớ muốn review cho mọi người bộ phim về chủ điểm gia đình quý như vàng mà lại ít người biết này.

- Still Walking – Vẫn mãi bước (2008)
- Quốc gia: Nhật bản
- Đạo diễn & Biên kịch: Hirokazu Kore-eda
- Diễn viên: Hiroshi Abe,Yui Natsukawa, Kirin Kiki, You
- Thể loại: Gia đình, Cuộc sống Xã hội, Tâm lý
Nhịp điệu tinh tế của cuộc sống gia đình
Still Walking khắc họa cuộc sum họp gia đình nhà Yokohama trong ngày giỗ của người con trai cả – người đã qua đời 12 năm khi cố gắng cứu một đứa trẻ ngoài biển. Ngạc nhiên là, bộ phim dài 1 tiếng 54 phút chỉ xoay quanh câu chuyện trong vòng một ngày hè.
Ngay từ những giây phút đầu phim, đạo diễn đã cho thấy những tâm trạng trái ngược. Khác với mong chờ của bố mẹ, người con trai thứ Ryota cảm thấy khó chịu khi phải về nhà, và cố nghĩ cách để không ở lại qua đêm. Vì khi quay trở lại, hội họp dưới mái nhà, ta dễ nhớ về quá khứ và vị trí của ta trong gia đình. Những câu hỏi ta không biết cách trả lời, hay những hi vọng, mong chờ khiến ta thấy xấu hổ vì không thể đáp ứng.
Gói trong những đoạn hội thoại, những chi tiết nhỏ ta như dần hiểu được từng nhân vật và những đè nén của họ dưới bề mặt thường nhật. Có lẽ đây là cách người Nhật, nhưng gần như toàn bộ bộ phim rất ít cảnh nói thẳng cảm xúc ra, tuy nhiên đây là điểm khiến bộ phim càng trở nên chân thực. Phim trầm lắng, và cũng rất bình dị, ắt vì đạo diễn Kore-eda đã muốn khắc họa mâu thuẫn của những cá nhân trong gia đình hơn là những cảnh cảm động lấy nước mắt người xem.
Tuy nhiên, phim không mang cảm giác khó chịu. Nếu ví Still Walking với một hình ảnh thì phim tựa như những là sóng nhẹ liên tục đánh vào lòng vậy. Vậy nên, nếu bạn đang đi tìm một bộ phim để giải trí thì có lẽ Still Walking không phù hợp với bạn tại thời điểm hiện tại. Nhưng nếu bạn muốn một bộ phim để bản thân có thể ngồi lại và từ từ cảm nhận, hay đơn giản hơn là tìm kiếm chút trầm lắng và bình yên, Still Walking là một lựa chọn không tồi.
Nói một chút về đạo diễn Kore-eda, ông là một biên kịch kiêm đạo diễn rất nổi tiếng của Nhật với nhiều phim vang danh như After Life (1998), Nobody Know (2004), Like Father Like Son (2013)… Tiêu biểu, năm 2018, đạo diễn thắng giải Cành cọ vàng cho bộ phim Shoplifters (tạm dịch: Gia đình trộm cắp) và năm 2023, bộ phim Monster (tạm dịch: Quỷ dữ) thắng giải Kịch bản xuất sắc nhất tại LHP Cannes.
Đạo diễn bắt tay vào viết “Still Walking” sau khi mẹ ông vừa mới qua đời. Bộ phim bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những trải nghiệm và suy tư của ông về gia đình, sự mất mát và thời gian. Chính vì vậy, Still Walking mang màu sắc hoài cổ như một câu chuyện đời người và có phần đau đớn khi ta nhận ra bộ phim là sự tái hiện của kỷ niệm.
Câu chuyện của những người ở lại
Thứ thu hút Goose Phim đầu tiên là tựa đề bộ phim – “Still Walking” hay tạm dịch là “vẫn mãi bước”. Trong tiếng Nhật, bộ phim có tên là 歩いても 歩いても (Aruitemo aruitemo), cũng có nghĩa là “mãi bước”. Lúc đọc tóm tắt, tớ đã nghĩ tựa đề ám chỉ cho sự bước lên phía trước dẫu nhiều trở ngại. Nhưng khi xem tớ mới nhận ra, “mãi bước” còn ám chỉ thời gian và thế hệ.
Bộ phim nói lên những tác động lâu dài của người thân lên tính cách của ta. Vì thứ ta kế thừa từ gia đình từ thế hệ này sang thế hệ khác, không chỉ là dòng máu mà còn là suy nghĩ, cảm xúc, hành vi. Như cách Ryota vô thức lặp lại câu của mẹ, hay những lúc anh hành động giống như cha của mình. Có tiêu đề Tiếng Việt dịch là “Cây đời xanh tươi”, Goose Phim nghĩ cách dịch này cũng rất phù hợp với nghĩa của “Still Walking”.
Chính đạo diễn Kore-eda cũng đã chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn năm 2015 rằng “chỉ trong 15 năm, tôi mất cha rồi đến mẹ, và có một cô con gái. Khi đã trở thành cha, tôi nhận ra chúng ta luôn tìm cách để được ở giữa những mối liên kết. Điều gì đó mất đi, và chúng ta cố gắng để kế thừa, từ thế hệ này đến thế hệ khác”.

Điểm thứ hai làm tớ ấn tượng là cách bộ phim được kể, như lăng kính vậy, sự quan sát không phát xét. Dẫu là câu chuyện gia đình, nhưng không rộn rã, không sướt mướt cũng chẳng có những phân cảnh đấu tranh gay gắt. Thay vào đó là những cảnh nấu ăn, cảnh cùng nhau nói chuyện, hay lẳng lặng cùng nhau ngồi.
Câu chuyện được vẽ lên bởi nhiều nhân vật. Dẫu tính cách mỗi nhân vật vẫn giữ nguyên trước hay sau khi bộ phim kết thúc, vì chỉ có 24 tiếng thôi, con người đâu dễ thay đổi nhanh như vậy mà phải không? Nhưng thứ thay đổi là góc nhìn của ta đối với nhân vật đó. Bởi thông qua những câu thoại, hành động nhỏ, ta dần hiểu hơn về tính cách nhân vật.
Đầu tiên phải kể đến Ryouta, người con trai thứ hiện đang làm phục chế tranh, nhưng công việc chưa thực ổn định. Anh tìm kiếm sự công nhận của bố, và tự nhủ bản thân sẽ không trở thành một người gia trưởng, cộc cằn như vậy. Thế nhưng anh lại có rất nhiều nét giống cha mình. Như cách anh không biết cha mình dần hình thành sở thích với bóng đá. Cũng như cha anh không nhận ra anh đã không chơi bóng chày từ rất lâu rồi.
Tuy nhiên, cuối phim ta có thể thấy anh đã dần thay đổi với thời đại, cởi mở với những thay đổi hơn cha mình. Còn bà Toshiko xuất hiện như một người mẹ dí dỏm, yêu quý con cháu. Nhưng càng xem ta sẽ nhận ra bà lạnh lùng ra sao, quyết liệt nhưng cũng đau đớn thế nào. Tớ đã rất ngạc nhiên với nhân vật này. Vì ở bà, tớ thấy thoáng qua dáng vẻ mẹ tớ. Một người phụ nữ mạnh mẽ, thương con cùng nhiều sự trầm tư, nhưng luôn tỏ ra mình mạnh mẽ, lạc quan.
Diễn xuất và Khung hình

Bàn về diễn xuất, nhiều người sợ diễn xuất phim Nhật khoa trương. Nhưng diễn xuất trong Still Walking cực kỳ tự nhiên và gần gũi. Vậy nên nếu bạn lo ngại diễn xuất, thì đừng lo nữa nhé. Không những thế, như tớ đã nói phía trên, tớ rất ấn tượng với nhân vật người mẹ Yoshiko được diễn viên gạo cội Kirin đóng. Đạo diễn Kore-eda cũng từng nói chính Kirin đã khiến nhân vật này thêm chiều sâu và tính chân thực.
Bên cạnh đó, diễn xuất của 3 diễn viên nhí cũng rất tự nhiên. Đạo diễn Kore-eda nổi tiếng với việc làm việc cùng diễn viên nhí mà. Ông có biệt tài mang lại được sự ngây thơ và tính chân thực của trẻ em trên màn ảnh.
Cuối cùng, tớ phải nói thêm, phim cực kỳ đẹp với màu sắc thơ và có chút hoài niệm. Những khung hình tĩnh, chậm rãi kết hợp cùng với nhạc phim nhẹ nhàng. Nếu đưa hết những khung hình đẹp của bộ phim vào bài thì bài viết này sẽ toàn hình mất, nên chắc phải để các bạn xem phim rồi tự cảm nhận thôi.

Những phim tương tự Still Walking
Nếu sau khi xem các bạn muốn tìm những phim tương tự thì có thể xem những bộ khác của đạo diễn Kore-eda hoặc đạo diễn Ozu Yasujiro. Đặc biệt là những bộ sau:
- After Storm (Sau cơn bão – 2016), được nhiều người xem như phần hậu truyện của Still Walking.
- Like Father Like Son (2013)
- Những phim khác của đạo diễn Hirokazu Kore-eda
- Phim của đạo diễn Ozu Yasujiro
- Tokyo Family (2013)
Ai còn bộ nào thì giới thiệu cho tớ với nha. Còn rất nhiều chi tiết của Still Walking tớ muốn đề cập, nhưng chắc phải dừng ở đây thôi. Nếu ai xem rồi thì hãy cùng bàn luận với tớ dưới phần comment nhé! Vậy là bài viết đầu tiên trong Nhật ký xem phim của Goose Lười đã khép lại. Tạm biệt mọi người, hẹn gặp lại.
Người viết: Goose Lười